Slide

QUY CHẾ CHƯƠNG TRÌNH

I. QUY ĐỊNH CHUNG———————

Chương trình Bình chọn và Công nhận Danh hiệu EduTech Awards (Tên gọi tắt: “Giải thưởng Công nghệ Giáo dục” hoặc “EduTech Awards”) được tổ chức nhằm mục đích vinh danh các nền tảng, giải pháp, sản phẩm, nội dung, dịch vụ phục vụ cho giáo dục và đào tạo tại Việt Nam được phát triển trên nền công nghệ số.

EDUTECH AWARDS là chương trình thường niên do BHub Group sáng lập và phối hợp với các tổ chức chuyên ngành thực hiện.

Slide ĐƠN VỊ TỔ CHỨC EDUTECH AWARDS 2023 CƠ QUAN BẢO TRỢ EDUTECH AWARDS 2023

II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Mục đích:

– Vinh danh các nền tảng, giải pháp, sản phẩm, nội dung, dịch vụ phục vụ cho giáo dục và đào tạo tại Việt Nam được phát triển trên nền công nghệ số.
– Giúp các cá nhân và tổ chức liên quan có thêm kênh thông tin uy tín để tiếp cận, tham khảo các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, nền tảng công nghệ giáo dục ưu việt nhằm ứng dụng trong công tác quản lý, dạy và học.
– Góp phần định hướng phát triển công nghệ giáo dục phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
– Khích lệ, động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Yêu cầu:

– Công tác tổ chức được triển khai khoa học, nghiêm túc, công bằng, dựa trên tiêu chí của Giải thưởng được công bố.
– Công tác truyền thông, vinh danh được tổ chức chuyên nghiệp, uy tín.
– Xây dựng danh hiệu “Giải thưởng EduTech” (EduTech Awards) có mức độ nhận diện rộng và uy tín xã hội cao, vừa có giá trị định hướng về chuyên môn, vừa góp phần gia tăng hiệu quả truyền thông và kết nối các nguồn lực công nghệ thông tin ưu việt cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

 

 

CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN

Trình tự thực hiện:
Ban Tổ chức ban hành các Quyết định:

(1) Quyết định Phát động Chương trình bình chọn và công nhận Danh hiệu Công nghệ Giáo dục 2023 (EduTech Awards 2023), quyết định Cơ quan Thường trực Giải thưởng (kiêm Ban Thư ký Chương trình), và ban hành Quy chế Chương trình.
(2) Quyết định Thành lập Hội đồng Giải thưởng
Cơ quan Thường trực của Giải thưởng, Hội đồng Giải thưởng và các đơn vị, cá nhân tham gia Chương trình căn cứ Quyết định thực hiện.

III. HÌNH THỨC CÔNG NHẬN DANH HIỆU GIẢI THƯỞNG

– Tổ chức Lễ trao Giải (tên khác: Lễ Vinh danh)
– Trao Quyết định công nhận Danh hiệu kèm Chứng nhận Giải thưởng và Cúp do Ban Tổ chức Chương trình phát hành.
– Đơn vị đạt giải được sử dụng Danh vị và Nhận diện, Tài liệu liên quan của Danh vị đã đạt được trong các hoạt động truyền thông, quảng bá hợp pháp liên quan.
– Danh hiệu được công nhận gắn với năm bình chọn.

IV. HẠNG MỤC XÉT GIẢI, ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA:

– Đối tượng: các nền tảng, giải pháp, sản phẩm, nội dung, dịch vụ phục vụ cho giáo dục và đào tạo tại Việt Nam được phát triển trên nền công nghệ số.
– Điều kiện tham gia:

Đối với đối tượng được đề cử:

  • Đối với các Đề cử vào các Nhóm từ 1 đến 10 (theo danh sách Nhóm của Quy chế này): Đề cử đã được đưa vào khai thác, sử dụng tại Việt Nam từ ít nhất 01 năm trở lên. Đối với Nhóm 11 (theo danh sách Nhóm của Quy chế này): Đề cử được đưa vào khai thác, sử dụng tại Việt Nam dưới 01 năm.
  • Có Hồ sơ đề cử hợp lệ theo quy định tại Quy chế này.
  • Đối tượng được đề cử không liên đới trong các vấn đề vi phạm, tranh chấp hay khiếu nại pháp lý nào kể cả trước, trong và sau Chương trình. Nếu nhận thấy có bất cứ nguy cơ, dấu hiệu hay bằng chứng nào của vấn đề kể trên, Ban Tổ chức có toàn quyền hủy bỏ Giải thưởng, Danh hiệu của đối tượng được trao mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào cũng như không bắt buộc phải giải quyết bất kỳ khiếu nại nào đối với quyết định này. Việc hủy bỏ có thể có hiệu lực đối với một, nhiều hay toàn bộ Giải thưởng, Danh hiệu của đối tượng đó đã được trao trong quá khứ hay sẽ được trao ở tương lai, tùy thuộc vào mức độ đánh giá và quyết định của Ban Tổ chức.
  • Yếu tố ưu tiên (nhưng không bắt buộc): các Đề cử được xây dựng, phát triển và làm chủ bởi người Việt Nam (Make in Vietnam) và phù hợp với xu thế của thế giới, các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế uy tín và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Đối với đối tượng đề cử:’

  • Là tổ chức có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, có một trong các quyền hợp pháp sau đối với đối tượng được đề cử:
  • Quyền sở hữu
  • Quyền khai thác thương mại
  • Được ủy quyền hợp pháp bởi một trong hai đối tượng kể trên.
  • Các tổ chức hợp lệ có thể tự đề cử cho chính mình.
  • Hạng mục xét giải bao gồm nhưng không giới hạn 11 Nhóm dưới đây. Không giới hạn số hạng mục trong mỗi nhóm. Hội đồng Giải thưởng căn cứ trên tình hình thực tế trong quá trình triển khai Chương trình, có thể thay đổi, thêm, bớt các Nhóm hay Hạng mục.

Nhóm 1: Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu 
  2. Nền tảng quản trị hành chính công 
  3. Phần mềm lưu chuyển thông tin dữ liệu 

Nhóm 2: Công tác quản lý trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Hệ thống phần mềm quản lý thông tin nhà trường (Quản lý học sinh/sinh viên; Quản lý giáo viên/giảng viên; Quản lý hồ sơ điện tử; Phần mềm thống kê báo cáo; Phần mềm tin nhắn điều hành; Phần mềm sổ liên lạc; Các phần mềm tiện ích v.v…)
  2. Phần mềm quản lý học phí
  3. Phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ
  4. Phần mềm hỗ trợ sắp xếp thời khoá biểu
  5. Phần mềm sổ liên lạc điện tử
  6. Phần mềm quản lý giáo dục trực tuyến
  7. Cổng thông tin điện tử nhà trường
  8. Giải pháp IoT cho trường học thông minh
  9. Trung tâm điều hành giáo dục (Nền tảng tích hợp; Cơ sở dữ liệu tập trung; Cổng giao tiếp và giao tiếp API; Phân tích dữ liệu lớn; Quản trị hệ thống v.v…)
  1. Trường học thông minh (smart school)

Nhóm 3: Công tác dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Phần mềm soạn bài giảng điện tử
  2. Phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục
  3. Giải pháp hội nghị truyền hình cho giáo dục
  4. Trang thiết bị cho trường học thông minh
  5. Lớp học thông minh
  6. Màn hình thông minh 
  7. Giải pháp chiếu sáng thông minh cho học tập
  8. Thiết bị học tập cá nhân
  9. Thư viện thông minh
  10. E-learning (Trường học trực tuyến; Chương trình/Khoá học giáo dục trực tuyến)
  11. Phần mềm hỗ trợ học tập tại nhà
  12. Khảo thí trực tuyến
  13. Phần mềm hỗ trợ các nghiệp vụ phổ cập giáo dục

Nhóm 4: Công tác tuyển sinh, truyền thông, tiếp thị. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp

Nhóm 5: Nền tảng số phục vụ dạy, học. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Mạng xã hội học tập trực tuyến
  2. Nền tảng số dạy và học trực tuyến
  3. Nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs)

Nhóm 6: Giáo dục sớm cho trẻ em. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Chương trình giáo dục STEM
  2. Chương trình giáo dục STEAM
  3. Trò chơi phát triển trí tuệ cho trẻ

Nhóm 7: Phát triển bản thân. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Hướng nghiệp (Nền tảng kết nối hướng nghiệp, dịch vụ hướng nghiệp v.v…)
  2. Quản lý tài chính cá nhân
  3. Kỹ năng mềm

Nhóm 8: Đào tạo cho người đi làm. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Kinh doanh, Khởi nghiệp.
  2. Ngoại ngữ
  3. Thương hiệu, Truyền thông và tiếp thị.
  4. Bán hàng
  5. Nhân sự
  6. Tài chính
  7. IT và lập trình

Nhóm 9: Đào tạo cho doanh nghiệp. Đơn vị tham khảo danh mục bên dưới hoặc tự đề xuất hạng mục: 

  1. Phần mềm quản lý đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp
  2. Phần mềm đào tạo nội bộ trực tuyến cho doanh nghiệp
  3. Khoá đào tạo nâng cao năng lực nhân viên

Nhóm 10: Nhóm các Đề cử khác

Nhóm 11: Nhóm Công nghệ Giáo dục triển vọng

V.  QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ ĐỀ CỬ:

Hồ sơ nộp trực tuyến hoặc trực tiếp hoặc kết hợp 2 hình thức, bảo đảm đủ tài liệu như yêu cầu.

Hồ sơ đề cử hợp lệ là Hồ sơ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Đúng đối tượng theo quy định của Chương trình.
  • Hồ sơ nộp đầy đủ, đúng hạn và đúng cách thức yêu cầu.
  • Hồ sơ đề cử vào hạng mục phù hợp theo đánh giá của Ban Tổ chức. Trường hợp chưa phù hợp, Ban Tổ chức giữ quyền chuyển đề cử đó sang hạng mục khác trong cùng nhóm hoặc nhóm khác. Nếu đơn vị đề cử không đồng ý với hạng mục này, đơn vị đề cử có quyền từ chối và việc này mặc nhiên được ghi nhận là đơn vị đề cử không tiếp tục tham gia Chương trình.
  • Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

Vòng hồ sơ:

  1. Hồ sơ Đề cử (Mẫu HS01)  
  2. Bản tóm tắt thông tin Đề cử (Mẫu HS02)                    TẢI HỒ SƠ

Vòng thuyết trình:

  1. Bản sao Báo cáo kết quả kinh doanh 03 năm gần nhất có xác nhận của cơ quan thuế.
  2. Bản sao Giấy chứng nhận bản quyền hoặc Cam kết bản quyền (Mẫu HS03) hoặc Tài liệu tương đương thể hiện quyền sở hữu, quyền khai thác thương mại hoặc được uỷ quyền hợp pháp bởi một trong 2 đối tượng có các quyền trên.
  3. Bản thuyết trình (file ppt. sử dụng cho mục đích thuyết trình).

VI. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ:

  • Nguyên tắc đánh giá:
  • Đối với các Nhóm từ 1 đến 10: Hội đồng Giải thưởng căn cứ trên tiêu chí, đánh giá để chọn ra các Đề cử đạt theo 02 mức độ: Xuất sắc Tiêu biểu

Tên Danh hiệu:

  • Mức Xuất sắc: [Tên gọi cá nhân hóa của từng Đề cử] + [xuất sắc 2023]
  • Mức Tiêu biểu: [Tên gọi cá nhân hóa của từng Đề cử] + [tiêu biểu 2023]

Ví dụ:

  • KidSchool – Phần mềm Quản lý trường mầm non xuất sắc 2023
  • KidSchool – Phần mềm Quản lý trường mầm non tiêu biểu 2023
  • Đối với Nhóm 11: Hội đồng Giải thưởng căn cứ trên tiêu chí, đánh giá để chọn ra các Đề cử đạt theo 01 mức độ: Triển vọng.

Tên Danh hiệu:

  • Mức Triển vọng: [Tên gọi cá nhân hóa của từng Đề cử] + [triển vọng 2023]

Ví dụ:

  • KidSchool – Phần mềm Quản lý trường mầm non triển vọng 2023
  • Đối với các trường hợp cần tranh biện thêm, Hội đồng thảo luận hoặc/và bỏ phiếu kín để đi đến thống nhất và đưa ra kết luận cuối cùng theo nguyên tắc đa số. Trường hợp kết quả bỏ phiếu bằng nhau, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng giữ quyền quyết định cuối cùng.

Tiêu chí đánh giá và Thang điểm: 

    • Các tiêu chí đánh giá cụ thể do Ban Tổ chức Chương trình quy định hàng năm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, định hướng phát triển của ngành cũng như nhu cầu của xã hội. Tiêu chí của Giải thưởng Công nghệ Giáo dục 2023 gồm các Nhóm Tiêu chí và Thang điểm như dưới đây.
  • 05 nhóm Tiêu chí chính: 
  1. Nhóm tiêu chí về Công nghệ và Sản phẩm 
  2. Nhóm tiêu chí về Người dùng/Khách hàng
  3. Nhóm tiêu chí về Bảo mật thông tin
  4. Nhóm tiêu chí về Bản quyền
  5. Nhóm tiêu chí về Doanh thu (Tiêu chí điểm cộng)

Hội đồng Giải thưởng xem xét, đánh giá các Đề cử dựa trên các Nhóm Tiêu chí chính, và tùy từng trường hợp có thể xem xét thêm các yếu tố khác (nếu cần). 

  • Đánh giá và Thang điểm:

Đối với các Nhóm từ 1 đến 10: Các Đề cử được tham chiếu theo thang điểm 10.

  • Danh hiệu “Xuất sắc” dành cho các Đề cử từ Nhóm 1 đến 10 đáp ứng các tiêu chí từ mức 8 điểm trở lên.
  • Danh hiệu “Tiêu biểu” dành cho các Đề cử từ Nhóm 1 đến 10 chưa đạt mức Xuất sắc nhưng được Hội đồng ghi nhận nhiều giá trị tích cực của Đề cử.

Đối với Nhóm 11: Đạt hoặc Không Đạt

  • Danh hiệu “Triển vọng” dành cho các Đề cử ở Nhóm 11, được Hội đồng ghi nhận ở một hay nhiều giá trị tích cực nào đó và có tiềm năng phát triển trong tương lai, được ghi nhận là “Đạt”
  1. Mô tả các Nhóm Tiêu chí:
  • Nhóm Tiêu chí về Công nghệ và Sản phẩm: 

Tiêu chí về công năng sử dụng (Các phân hệ, thành phần, chức năng, công dụng của sản phẩm v.v…); Tiêu chí phi chức năng (Tính khả dụng, đáp ứng nhu cầu người dùng; Tính ổn định; Hiệu năng; Tính hỗ trợ; Cơ chế ghi nhận lỗi; Bảo hành, bảo trì; Tài liệu hướng dẫn người dùng; Nhân lực; Hỗ trợ người dùng; Công nghệ phát triển hệ thống; Tính mô-đun hóa; Tiếp nhận phản hồi, xử lý sự cố; Hiệu năng; Độ tin cậy; Khả năng kết nối, tích hợp; Áp dụng các tiêu chuẩn, hợp chuẩn theo quy định hiện hành; Bản quyền; Cơ chế giám sát và cập nhật phần mềm).

  • Nhóm Tiêu chí về Người dùng/Khách hàng

Tiêu chí Người dùng/Khách hàng (Lượng người dùng/khách hàng hoạt động (active user); Tỷ lệ tăng trưởng người dùng/khách hàng bình quân 06 tháng gần nhất; Tỷ lệ tái sử dụng bình quân 06 tháng gần nhất; Tỷ lệ người dùng/khách hàng trả tiền; Hoạt động chăm sóc khách hàng); Tiêu chí Phản hồi (Mức độ hài lòng của người dùng/khách hàng; Tỷ lệ phản hồi của người dùng/khách hàng).

  • Nhóm tiêu chí về Bảo mật thông tin:

(Kiểm soát người dùng truy cập hệ thống, truy cập CSDL; Ghi vết (log) toàn bộ tác động lên hệ thống; Phần mềm diệt virus; Cơ chế kiểm soát chống sao chép dữ liệu; Hệ thống tường lửa chống xâm nhập từ xa; Quy định phổ biến và hướng dẫn định kỳ cách phòng ngừa virus; Hệ thống sao lưu, phục hồi dữ liệu; Phương thức mã hóa dữ liệu/thông tin, mật khẩu của người dùng; Có kịch bản phòng ngừa, khắc phục sự cố; Có quy trình an toàn thông tin; Có cơ chế chống tấn công, xâm nhập từ xa (DOS, DDOS); Có cơ chế cảnh báo và chống tấn công có chủ đích đối với các hệ thống cung cấp dịch vụ qua Internet; Tích hợp chữ ký số)

  • Nhóm tiêu chí về Bản quyền

Đề cử đã có chứng nhận đăng ký quyền tác giả/bằng độc quyền sáng chế/chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

  • Nhóm Tiêu chí về Doanh thu (tiêu chí điểm cộng): 

Doanh thu trực tiếp từ Đề cử và Tốc độ tăng trưởng doanh thu 03 năm gần nhất; Tỷ lệ đóng góp của dòng doanh thu này trên tổng doanh thu doanh nghiệp hiện nay.

VII. Kinh phí thực hiện:

  • Các đơn vị không phải đóng bất cứ phí hay lệ phí nào để đăng ký tham gia Chương trình.
  • Kinh phí tổ chức Chương trình bao gồm các chi phí để tổ chức triển khai đánh giá, bình chọn, tổ chức Lễ Trao Giải, tổ chức Chương trình truyền thông để quảng bá, tiếp thị chung cho các Đề cử đạt giải sau khi được trao Giải thưởng. Các đơn vị có Đề cử đạt giải có trách nhiệm tham gia đóng góp kinh phí cho các hoạt động này. Chi tiết mức đóng góp: 30.000.000 đồng/mỗi Đề cử đạt giải (bằng chữ: Ba mươi triệu đồng)

VIII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

  • Cơ quan Thường trực Giải thưởng, Thư ký Giải thưởng, các tổ chức có Đề cử tham gia Chương trình Giải thưởng Edutech Awards 2023 có trách nhiệm phối hợp triển khai tổ chức Chương trình theo Quy chế này. Các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình nếu vi phạm Quy chế này cũng như các quy định của Ban Tổ chức Chương trình, có thể bị xem xét loại khỏi Chương trình hoặc loại khỏi danh sách công nhận hoặc bị tước Giải thưởng đã được công nhận.
  • Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào cần sửa đổi bổ sung, Cơ quan Thường trực Giải thưởng tổng hợp báo cáo Ban Tổ chức Giải thưởng xem xét quyết định./.

– BAN TỔ CHỨC EDUTECH AWARDS 2023 –